Kỹ thuật di chuyển

Tầm quan trọng của phương pháp bước chân

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật môn bóng bàn, sự biến hóa về đường bóng, biến hóa về điểm rơi khi đánh bóng cũng ngày một phát triển không ngừng. Điều này đòi hỏi vận động viên bóng bàn cần phải di chuyển bước chân nhanh hơn để đảm bảo tính chính xác của động tác chi trên và phát huy sở trường kỹ chiến thuật cá nhân. Ngược lại, nếu như di chuyển bước không tốt thì không thể đảm bảo cho chi trên thực hiện động tác đánh bóng chính xác. Tính chuẩn xác của bước chân và chất lượng đánh bóng có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quảcủa việc sử dụng kỹ thuật sở trường của vận động viên. Vì vậy để đánh bóng bàn được tốt, nhất định phải nắm vững kỹ thuật di chuyển bước.

                    Phương pháp di chuyển bước thường dùng


Bước đơn
- Đặc điểm:
Động tác nhanh và đơn giản, phạm vi di chuyển nhỏ, quá trình di chuyển bước trọng tâm cơ thể luôn vững vàng thích hợp với việc sử dụng trong khi bóng đến có cự ly gần với cơ thể.

- Thực hiện kỹ thuật động tác:
Dùng một chân làm chân trụ, chân còn lại dựa vào đường bóng và điểm rơi của bóng đến để di chuyển bước ra trước, ra sau, sang trái hoặc sang phải.

Bước vượt
- Đặc điểm:
Tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi di chuyển lớn hơn bước đơn. Có thể sử dụng khi bóng đến cách thân hơi xa. Vì bước di chuyển thứ nhất có biên độ lớn làm cho trọng tâm cơ thể hạ thấp nên không dễ sử dụng liên tục.

- Thực hiện kỹ thuật động tác:
Dùng chân khác hướng với hướng bóng đến đạp đất, chân cùng hướng bước một bước dài về hướng bóng đến, trọng tâm cơ thể di chuyển theo chân này, còn chân kia nhanh chóng bước theo một bước. Nếu điểm rơi của bóng đến cách than tương đối xa hoặ tương đối gần thì phương hướng di chuyển bước có thể lệch sau hoặc lệch trước.

Bước nhảy
- Đặc điểm:
Phạm vi di chuyển tương đối lớn, trọng tâm cơ thể biến đổi rất nhanh, trước và sau khi di chuyển cự ly giữa hai chân cơ bản như nhau. Có thể sử dụng để liên tục đánh trả bóng đến, sử dụng thích hợp khi bóng đến cách cơ thể tương đối xa.

- Thực hiện kỹ thuật động tác:
Trước tiên chân khác hướng với bóng đến bước sang hướng bóng đến, sau đó chân còn lại tiếp tục bước theo sang ngang. Nếu điểm rơi của bóng đến tương đối xa hoặc tương đối gần thì phương hướng di chuyển đón đánh các loại bóng đến có thể lệch ra sau hoặc ra trước.

Bước đôi
- Đặc điểm:
Biên độ di chuyển lớn hơn bước đơn và nhỏ hơn bước nhảy. Khi di chuyển không có động tác trên không, có lợi cho việc giữ trọng tâm cơ thể ổn định, thiíchhợp sử dụng cho cách đánh cắt bóng, cách đánh tấn công nhanh và giật vồng. Khi công cắt bóng sẽ di chuyển trong phạm vi nhỏ cũng thường sử dụng bước đôi.

- Thực hiện kỹ thuật động tác:
Phương pháp di chuyển cơ bản giống với bước nhảy, chỉ khác nhau ở chỗ không nhảy lên trên không. Khi di chuyển, trước tiên chân khác với hướng bóng đến bước sang ngang gần chân cùng hướng bóng đến, sau đó chân cùng hướng bóng đến lại tiếp tục bước sang bên hướng bóng đến.

Bước chéo
- Đặc điểm:
Bước chéo là một phương pháp di chuyển bước có biên độ di động lớn nhất, chủ yếu dùng để đối phó với bóng đến có khoảng cách quá xa với cơ thể, cách đánh tấn công nhanh hoặc giật vồng. Khi né người tấn công sau đó tạt bóng thuận tay khoảng trống, hoặc khi líp cắt bóng trong lúc di động thường sử dụng bước chéo để đỡ bóng ngắn hoặc đỡ cắt đột kích. 

- Thực hiện kỹ thuật động tác:
Trước hết dùng chân gần với hướng bóng đến làm thành chân chống đất, bước nhanh chân xa bóng lên trước qua chân chống đất sang phía bóng đến 1 bước lớn, sau đó chân chống đất tiếp tục di chuyển một bước sang ngang theo hướng bóng đến.

Bước né người
Khi bóng đến ở bên trái tay nhưng bản thân lại quyết định sử dụng kỹ thuật công bóng thuận tay để đánh trả thì đòi hỏi phải dùng bước né người. Bước né người căn cứ vào sự khác nhau về vị trí của bóng đến và thói quen của cá nhân có thể phân chia thành né người bước đơn, né người bước vượt, né người bước nhảy.

Né người bước đơn
- Đặc điểm:
Tốc độ di chuyển nhanh, biên độ nhỏ. Khi bóng đến thẳng vào vị trí thân người hoặc lệch phải thì sử dụng né người bước đơn. 

- Thực hiện kỹ thuật động tác:
Chân trái làm trụ, chân phải nhanh chóng di chuyển một bước ra phía sau bên phải.

Né người bước vượt
- Đặc điểm:
Tốc độ di chuyển so với né người bước đơn hơi chậm hơn, nhưng biên độ di chuyển lớn hơn so với né người bước đơn. Khi bóng đến ở vị trí về phía bên trái thân thì sử dụng kỹ thuật này. 

- Thực hiện kỹ thuật động tác:
Chân trái trước tiên bước 1 bước vượt ra trước sang trái, sau đó chân phải di chuyển 1 bước ra sau bên phải, trọng tâm cơ thể rơi vào chân phải. Trong quá trình di chuyển vị trí cần hóp bụng, xoay người để ra vị trí đánh bóng.

Né người bước nhảy
Kỹ thuật di chuyển bước
- Đặc điểm:
Tốc độ di chuyển chậm, biên độ di chuyển tương đối lớn, có lợi cho việc phát huy công bóng thuận tay mạnh mẽ. 

- Thực hiện kỹ thuật động tác:
Chân phải đạp đất làm cho trọng tâm cơ thể nhanh chóng chuyển qua chân trái. Sau đó hai chân hầu như đồng thời rời khỏi mặt đất cùng nhảy sang bên trái 1 bước. Chân phải chạm đất trước, trọng tâm cơ thể rơi vào chân phải, chân trái cũng liền đó chạm đất.....

Di chuyển bước của cách đánh đẩy trái công phải vợt dọc
Vị trí đứng của cách đánh đẩy trái công phải vợt dọc ở gần bàn và lệch trái, chân trái thường ở trước, chân phải hơi ra sau, luôn luôn chuẩn bị phát huy uy lực tấn công bóng thuận tay và né người công bóng. Di chuyển nhanh phạm vi nhỏ sang hai bên phải trái thường được dùng nhiều nhất và cũng phối hợp thỏa đáng với di chuyển phải, trái, trước, sau phạm vi tương đối lớn nên thường lấy di chuyển bước nhảy, bước vượt làm chính kết hợp với bước đơn, bước đôi, bước né người và bước chéo.

Di chuyển bước của cách đánh tấn công hai mặt
Vị trí đứng của cách đánh tấn công hai mặt là gần bàn và hơi lệch trái, hai chân thay đổi trước sau hoặc đứng ngang bằng. Thường dùng bước đơn di chuyển sang trái để né người sang trái chừa chỗ tấn công bên phải. Phương pháp bước chân dùng bước đơn và bước vượt bước nhảy phạm vi nhỏ làm chính kết hợp với các bước khác.

Di chuyển bước của cách đánh giật vồng hai mặt
Vị trí đứng ở cách đánh giật (líp) vồng hai mặt hơi xa bàn, biên độ động tác đánh bóng tương đối lớn. Khi tấn công hoặc phòng thủ đòi hỏi phải quán xuyến phạm vi tương đối lớn cho nên khi di chuyển thường dùng bước chéo và bước nhảy làm chính phối hợp với bước vượt và các loại bước di chuyển khác.

Di chuyển bước của cách đánh tấn công nhanh kết hợp giật vồng
Khi tấn công nhanh kết hợp giật vồng thì lúc tấn công nhanh thường đứng cách bàn tương đối gần, cho nên thường lấy bước nhảy, bước vượt là chính kết hợp với các bước nhảy khác. Khi chuyển sang cách đánh giật vồng thì dùng bước chéo và bước nhảy là chính kết hợp với các loại bước di chuyển khác.

Di chuyển bước của cách kết hợp cắt công
Cách đánh kết hợp cắt công nói chung là vị trí đứng thường xa bàn và đánh vào bóng ở thời kỳ bóng đến đi xuống thấp, đồng thời còn thường từ phòng thủ chuyển sang tấn công hoặc từ tấn công sang phòng thủ nên đòi hỏi phạm vi di chuyển và quán xuyến rất lớn. Vì vậy phương thức di chuyển bước rất nhiều. Khi phòng thủ thì dùng bước nhảy và bước chéo là chính, phối hợp với các bước di chuyển khác. Khi chuyển sang tấn công thì dùng bước nhảy và bước vượt là chính phối hợp với các bước di chuyển khác.